Sống tối giản theo cách của bạn


-   KHÔNG! Em không sống kiểu này được đâu. Thật là nhạt nhẽo.
   Đó là câu nói kinh điển của tôi mỗi khi nhắc đến Lối sống tối giản (LSTG). Còn bây giờ, tôi nhận ra khi ấy mình chẳng có khái niệm gì về nó và phát ngôn kia phản ánh một sự thiếu hiểu biết.

   Còn bạn, bạn biết gì về Lối sống tối giản?
   Hẳn ai trong chúng ta cũng từng có lần nghe đến cụm từ ‘Tối giản’ (minimalism) xuất hiện trên các tạp chí, trang mạng. Chỉ cần lướt qua các mạng xã hội, phong cách tối giản thể hiện xu hướng ít, tinh gọn (less is more), hiện đại. Rất nhiều các thương hiệu thời trang và kinh doanh dịch vụ hiện nay cũng đang theo đuổi mô hình này. Theo cảm nhận ban đầu, tôi vô cùng khó hiểu tại sao mọi người lại thích một lối sống ít đồ đạc và họa tiết “trơn tuồn tuột” không có gì?

   Bản thân là một người rất thích dọn dẹp nhà cửa, vậy nên tôi luôn cảm thấy khó chịu sau mỗi lần dọn một thời gian đã thấy đồ đạc bị bám bụi. Vì tôi thích tích trữ đồ đạc nữa. Không thể nhét tất cả vào tủ kính được vì không còn chỗ chứa! Càng khó chịu, tôi vô cùng mong muốn giải quyết vấn đề. Bắt đầu từ những tham khảo trên mạng xã hội về phương pháp dọn nhà, cho tới các bài viết phân tích chi tiết, tôi nhận ra mình vấp phải “Lối sống tối giản” tự lúc nào không hay. Có khá nhiều định nghĩa về lối sống này, nhưng chúng đều được hiểu theo ý chung: loại bỏ những thứ không cần thiết để cho cuộc sống trở nên ý nghĩa hơn. Vậy đâu là những thứ không cần thiết? Đó có thể là một món đồ để trong tủ đến cả năm trời không mặc, nhưng vẫn giữ lại vì sợ “một ngày nào đó sẽ dùng” (tôi từng có hàng chục cái áo như vậy, và “một ngày nào đó” đã không bao giờ đến), hay là những suy nghĩ, thói quen không đem lại cho bản thân sự lạc quan trong cuộc sống.

   Hành trình tối giản trong cuộc sống của tôi xuất phát từ Tủ quần áo. Khi mới bắt đầu, tôi có những câu hỏi:
-    Bắt đầu từ đâu?
-    Những món đồ hay mặc là gì? Tôi phải giữ lại cái gì?
-    Nên vứt đi cái gì?
-    Áo vẫn còn tốt, vẫn mặc được. Để dịp khác vẫn dùng được chứ ?
   Sau khi dọn tủ quần áo, tôi đã có một trải nghiệm khó quên: bắt đầu từ thực tại. Bây giờ đang là mùa gì? Tôi hay mặc những chiếc áo nào? Quả thực, điều này không hề dễ dàng với một đứa thích giữ lại hơn là bỏ đi như tôi. Nhưng càng giữ nhiều thì chẳng có chỗ cho những chiếc khác đáng được sử dụng hơn. Qua được vòng chiếc áo đầu tiên, tôi dần mạnh dạn bỏ đi những món đồ tiếp theo mà trong suốt mấy năm qua tôi đã giữ lại chỉ vì sẽ có ngày dùng đến nó. Từ sau lần dọn ấy, tôi thấy tủ quần áo của mình ngăn nắp hơn, đồng thời nhận ra nhiều chiếc áo tôi mua sắm theo “tâm trạng”. Lúc buồn thì đi mua, vui cũng phải tự thưởng cho bản thân, đồ sale rẻ thì càng phải tranh thủ mua nhưng không chắc về sau có dùng hay không. Với những chiếc áo vẫn bị cho vào danh sách “day dứt lương tâm”, tôi để lại vào tủ trong 2 tháng. Cuối cùng tôi quyết định cho đi sau 2 tháng không động gì tới nó. Bây giờ tôi hoàn toàn hài lòng về tủ quần áo mình đang có. Khi chỉ có một lượng quần áo nhất định, tôi thấy mình được sáng tạo nhiều hơn trong cách phối đồ để không bị nhàm chán. Mạnh dạn đầu tư cho bản thân những món đồ tốt và vừa vặn – những thứ được mua dựa trên sự cân nhắc kĩ lưỡng của bản thân trước khi quyết định bỏ tiền ra sắm.

   Tủ, kệ, giá sách, bàn học
   Một màn tranh đấu nội tâm dữ dội khác đã diễn ra.
   Giá sách của tôi trưng bày không biết bao nhiêu thứ đồ: lọ, chai thủy tinh, cốc, khung ảnh, hộp sao,…những đồ vật đã theo tôi từ hồi còn là một cô bé học sinh tiểu học, từng nghĩ sẽ không thể cho bất kì ai trong đời chỉ vì tôi yêu chúng. Nhưng đó đâu phải là tình yêu. Đó chỉ là níu giữ một vật chẳng còn giá trị với mình. Nhớ hộp đựng sao bị bụi bám xung quanh do để lâu, tôi đã không còn nuối tiếc với quyết định cho đi. Lau sạch một lần nữa, tôi đem cho cô cháu hàng xóm với hy vọng cô bé ấy sẽ chơi vui với nó như tôi đã từng. Đồng thời, bỏ đi những lọ chai thừa đã để cả năm chẳng cắm nổi cành hoa nào.

Bàn học hiện tại. 
Nhìn giá sách thân thương, thấy những cuốn chỉ để “trang trí” mà tôi từng mua trong hội sách vì ham giảm giá và bìa đẹp, tôi cũng quyết định cho đi, bởi từ lúc mua về đến bây giờ vẫn chẳng hề đọc, và biết chắc mình sẽ không đọc đến.

   Thật kì lạ, từ giây phút tôi cầm túi rác to đùng đem đi vứt, sau ngày hôm đó, trong lòng ngập tràn một cảm giác nhẹ tênh. Như vừa bỏ được những đồ đạc đã cũ, biết ơn chúng, cả những đồ đạc quyết định giữ lại, đồng thời tôi thấy mình như chào đón một con người mới đến trong lòng.

  Những suy nghĩ. Mối quan hệ
   Tôi sợ sự thay đổi. Tôi hay nghĩ nhiều về quá khứ. Thỉnh thoảng lo lắng cho tương lai.
   Tôi không thể phủ nhận điều đó. 
   Tìm hiểu về LSTG, tôi dần học được cách tập trung cho hiện tại. Đầu tư thời gian và công sức của mình cho những mối quan hệ đem lại nguồn năng lượng tích cực, mạnh tay xóa sổ những mối quan hệ chỉ đem đến sự mệt mỏi và tiêu cực, dù trước đó tôi từng nghĩ rằng mình không thể làm như vậy, rồi mắc kẹt mãi trong đó với suy nghĩ của chính mình.
   
      Lối sống tối giản đã đem lại điều gì cho tôi?
-    Tôi vẫn không, chưa thể quen với kiểu sống quá ít đồ đạc. Đây là hành trình mà bản thân chỉ mới đặt chân đi những bước đầu tiên. Tôi vẫn giữ lại một số đồ trang trí trong phòng, nhưng theo một cách hoàn toàn mới, cho đồ vật có “không gian” để thở.



-    LSTG giúp tôi nhận ra những gì thực sự cần thiết với mình ở hiện tại. Không chỉ riêng đồ đạc, mà cả mối quan hệ, những việc không đem lại niềm vui, ý nghĩa cho bản thân. Tập trung vào những gì mình đang có, là một điều tôi vẫn tiếp tục học, sửa chữa, thay đổi từng ngày.
-       Đối diện thẳng vấn đề thay vì tìm cách trốn tránh bằng những việc: mua sắm, lướt mạng xã hội.
-       Có thời gian cân nhắc trước khi mua một món đồ đem về nhà. Nghe điều này có vẻ tính toán, nhưng tôi không muốn vứt đi một cách lãng phí như trước đây và dành dụm tiền cho những việc khác cần thiết hơn.
-     Khi có nhiều không gian, tôi cảm thấy thoải mái, sự sáng tạo cũng dồi dào hơn.

      Điều quan trọng nhất, tôi không gò ép bản thân mình chạy theo LSTG một cách triệt để. Mỗi chúng ta đều có một cuộc sống, suy nghĩ cũng như thói quen khác nhau. Tôi không giống bạn, bạn cũng không giống người ta. Chúng ta đa dạng. Chúng ta đặc biệt theo cách của riêng mình. Hãy lựa chọn một cách sống phù hợp nhất, đẹp nhất, để tận hưởng cuộc đời này, bạn nghen!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến