Sống chung với nỗi sợ
Tôi. Sinh
viên đại học năm cuối. Bước vào giai đoạn bắt đầu suy nghĩ tập trung hơn về tương lai sau khi ra trường, về những công việc sau này. Khi nhìn bạn
bè xung quanh đi làm thêm, đi thực tập, có những thành công nhất định
nào đó, đôi lúc tôi không khỏi lo âu với chính mình. Rốt cục những
suy nghĩ ấy để trả lời cho câu hỏi: có kiếm được công việc đúng
chuyên môn cho mình thu nhập đủ sống hay không?
Chỉ riêng
một câu hỏi thôi mà tôi đã vẽ được rất nhiều nỗi sợ. Sau một thời
gian đấu tranh với những suy nghĩ lặp đi lặp lại ấy, tôi nhận ra một
điều: rằng tôi sẽ không thể sống thiếu nó. Bọn nỗi sợ ấy mà.
Tôi từng
đi qua rất nhiều nỗi sợ: sợ sai, sợ bị đánh giá, sợ không được yêu
mến, sợ bị nghe từ chối, sợ mất mát, chia ly, sợ những thứ sắp xảy ra
sẽ làm mình tổn thương lần nữa,...SỢ. Nỗi sợ, sản phẩm của trí óc
tạo ra. Khi bộ não cảm thấy sợ, nó chỉ đơn giản gửi tín hiệu cảnh
báo về mức độ ta đang bước ra khỏi vùng an toàn - nỗi sợ rất bản
năng của loài người thời nguyên thủy. “Vùng an toàn” ở đây có thể
hiểu là những gì ta đã trải nghiệm, quen với nó lâu rồi, nếu ta
bước ra khỏi nó thì có khả năng ta sẽ chết! Tôi đã từng đấu tranh
để cố gắng loại bỏ ngay nỗi sợ không biết bao lần. Lần nào tôi cũng
thua cuộc và phần tự ti bên trong ghi thêm 1 bàn thắng. Nỗi sợ làm
tuổi trẻ bớt trọn vẹn như cái ý nghĩa của nó. Một thời gian sau khi
nhận ra điều này, tôi cảm thấy tuổi trẻ hóa ra chỉ mới bắt đầu. Ồ,
thì ra nỗi sợ vẫn ở đó, nguyên vẹn một khối không rõ hình thù như
thế. Chỉ là tôi đã thêm vững tin hơn về bản thân mình từng ngày. Mỗi
lần cảm nhận nỗi sợ, tôi thấy rõ một góc-khuất-của-tôi-khác: cơ thể
bị “đơ” lại, không biết phải làm gì, hoang mang, yếu đuối, rụt rè và
đầy những âu lo. Quanh quẩn trong sợ hãi quá nhiều, đâm ra tôi sinh buồn chán, ngại
thay đổi, khép mình.
Nếu không
có nỗi sợ, tôi sẽ mãi mãi chỉ là đứa con gái ngồi suy nghĩ viển
vông không chịu hạ cánh, chỉ cần gặp vài cơn gió thổi cho sẽ ngả
nghiêng ngã sấp mặt chứ chẳng chơi. Nỗi sợ nhắc nhở tôi hãy cứ học
cách tập bay, từng chút từng chút một, rồi sẽ có ngày tôi có thể
tự tin bay xa như tôi hằng mong ước. Nỗi sợ cho tôi thêm bản lĩnh. Dám
thể hiện, dám bày tỏ, dám sống trung thực với những cảm xúc bên
trong mình. Chỉ khi nhìn thẳng vào nỗi sợ, tôi chẳng thấy gì ngoài
những mong mỏi bên trong mình. Làm bạn với nỗi sợ một thời gian, tôi
nhận ra rằng phần lớn nỗi sợ là những điều e ngại vì tôi chưa tiếp
xúc với vấn đề đó nhiều, chưa có trải nghiệm, thành ra tôi sợ. Không
biết phải bắt đầu từ đâu, không biết làm như thế nào, mà làm sai
thì có bị đánh giá không? Vậy đó. Khi biết bản thân sợ như vậy, tôi
tự hỏi chính mình “Nếu không có nỗi sợ này thì mình sẽ làm gì?” Thì
tôi sẽ bắt tay vào làm theo những gì mình mong muốn! Và tôi làm. Cứ
lao theo như không có một nỗi sợ nào nữa.
Chuyện từ
hồi còn nhỏ, cứ khi nào tôi cảm thấy sợ thì người lớn lại bảo
“Đừng có sợ. Có cái gì đâu mà phải sợ. Sao mà nhát thế!” !!!????
Tôi thấy vô lý quá. Con trẻ đang sợ tè ra quần kia sao lại bắt nó
ngừng sợ. Nói vậy chỉ càng củng cố niềm tin về nỗi sợ mà thôi.
Mỗi người có một cách cảm nhận khác nhau, không ai giống ai cơ mà.
Thế rồi tôi cứ lớn lên với những suy nghĩ về nỗi sợ là xấu, cấm
không được sợ trong lòng. Càng lớn, càng nhiều nỗi sợ, tôi lại không
biết phải đối diện với nó như thế nào, nó lại kéo bè phái đến
càng đông, làm cho tôi khổ sở vật vã suốt một thời gian dài. Giờ tôi
đã biết, mỗi khi sợ hãi, tất cả các giác quan đều trở nên NHẠY BÉN
hơn. Tôi vẫn nhớ cảm giác trước mỗi lần đi thi, thuyết trình, phỏng
vấn, cho dù có chuẩn bị kĩ lưỡng tới đâu thì vẫn có chút lo lắng
trong người. Hóa ra đây lại là điều rất bình thường! Chỉ khi bắt đầu
làm, tôi quên đi hết nỗi sợ và trở nên “thăng hoa”, tự tin và tràn
ngập năng lượng trở lại. Đó. Ai bảo nỗi sợ là xấu nhỉ?
Bên cạnh
đó, có những nỗi sợ rất bản năng: sợ rắn, sợ nhện, sợ độ cao…Khi
tìm hiểu về những nỗi sợ này, câu trả lời được đưa ra của các
chuyên gia tâm lý từ đại học Virginia là như một đặc điểm tiến hóa, vì
khi con người có thể cảm nhận được rắn nhanh hơn, khả năng sống sót
trong tự nhiên cũng lớn. Với độ cao, chúng ta có hẳn một tên gọi
Acrophobia- hội chứng những người sợ độ cao. Có rất nhiều kiểu sợ, mà càng đọc, càng thấy nó có một mối quan hệ vô cùng đa dạng với con
người.
Có rất
nhiều nỗi sợ tôi lựa chọn sống chung với nó, nhưng không có nghĩa là
tôi chọn đầu hàng. Chỉ riêng có một nỗi sợ mà tôi ngán ngẩm nhất:
đánh mất chính mình. Sợ một ngày nào đó tôi không còn vô tư và
nhiệt thành với những cảm xúc của chính mình nữa. Lúc đó hẳn sẽ
là một chuỗi ngày kinh hoàng, tẻ nhạt và chán chường biết bao.
Cho dù nỗi
sợ của bạn là gì, nó lớn tới mức nào đi chăng nữa, hãy thừa nhận, đối mặt nó và đứng dậy làm chủ tình thế. Để biết mình cũng là con người thôi, cũng có những nỗi sợ bản năng. Hít vào một cái
thật sâu, thở ra thật nhẹ nhàng, tiếp tục hành trình thôi nào!
Nhận xét
Đăng nhận xét