Làm một đứa trẻ dốt toán

Nỗi tự ti của một cô bé có thể xuất phát từ việc nó biết mình học kém môn toán.

Suốt hơn 12 năm đèn sách tới trường, tôi luôn có một nỗi ngán ngẩm với môn Toán. Môn học đi vào lời bài hát "một cộng một bằng hai...", mỗi khi nhắc đến những con số là tôi có thể tìm đủ mọi lí do để né tránh. Tôi tránh vì tôi sợ toán, nó theo tôi tới từng tiết học, các lớp học thêm, tới những buổi phải hoàn thành bài tập về nhà. Tôi vẫn nhớ những sáng chủ nhật khi còn là học sinh cấp I, mẹ vẫn thường kê bàn học ra trước cửa và tôi phải hoàn thành cuốn "Toán nâng cao" với 90% tìm cách xem đáp án ở cuối sách. Tôi nhớ cái cảm giác lạc lõng trong lớp học thêm toán có đại đa số cả lớp hiểu bài. Để không muốn trở thành một kẻ lạc loài, không muốn trở thành một đứa ngốc, tôi đã từng giấu dốt, chép bài bạn. Không biết bao lần ngồi trong lớp học thêm toán nhưng lòng mong ngóng được trở về mái nhà thân thương. Rồi một lần, khi đang ngẩng lên nhìn đồng hồ trong lớp học thêm, bị cô giáo bắt gặp, nói với tôi "Đi về đi". Lúc đó tôi đã tưởng được mẹ đến đón sớm. Nhưng ngay sau đó, niềm vui ấy bị dập tắt bởi lời trách móc của cô dành cho đứa học trò lười. Để cải thiện tình hình, mẹ tôi đã nhờ gia sư dạy toán đến nhà kèm, đưa sang nhà anh chị để hỏi bài với niềm hy vọng tôi sẽ học khá hơn. Nhưng rồi mọi thứ vẫn vậy. Tôi vẫn tìm cách giấu dốt và tránh được buổi học toán nào thì hay buổi đó.

Chuyện tệ hơn khi tôi bắt đầu lên cấp II, với lượng kiến thức ngày một nhiều, tôi cứ giãy dụa trong mớ định lý, tính chất, công thức khó hiểu. Những bài kiểm tra 15 phút, một tiết, thi cuối kỳ. Tôi liên tục đạt kết quả không như mong đợi. Tôi giả chữ ký phụ huynh mỗi khi được yêu cầu đem bài về nhà cho gia đình xem. Tôi bị học sinh tiên tiến chỉ vì điểm tổng kết toán thấp. Lần đầu tiên đi họp phụ huynh năm học cấp II, mẹ cầm bảng điềm về nhà, đã khóc vì buồn và giận dữ. Chỉ vì biết mình bị học sinh tiên tiến, tất cả những gì cô bé tôi năm ấy chỉ biết làm cũng là khóc và tự nhủ mình là một đứa sẽ không có tương lai tốt đẹp. Chỉ vì học dốt toán, không giỏi như bao người khác. Học thế này làm sao thi được điểm cao, mai sau đời sẽ hỏng...
nguồn: Unsplash


Với 2 kì thi quan trọng đầu đời là thi cấp III và thi đại học, tôi đều đỗ vào những trường mơ ước. 1 phần do tôi "ăn may", 9 phần còn lại, là nỗ lực đến từ những áp lực. Giờ tôi vẫn tin rằng mình có thể vượt qua mọi áp lực nhờ sự nỗ lực phấn đấu từ bên trong bản thân, trong mọi trường hợp. Quay lại chuyện ôn thi cấp III, trước kì thi 2 tháng, tôi mất gốc kiến thức rất nhiều. Lúc đó, tôi đã gặp chú Giang dạy toán, hỏi tôi một câu: "Lúc này cháu không hiểu chỗ nào, phải nói thật". Nói thật nhé. Như được ném cho sợi dây kéo ra khỏi vũng bùn lầy, tôi đã quyết tâm trong 2 tháng gay gắt còn lại trước kì thi quan trọng đầu tiên. Những nút thắt dần dần được gỡ ra.

Lên cấp III, mẹ tôi bớt dần những kỳ vọng vào đứa con gái. Mối quan hệ giữa tôi - môn Toán vẫn chẳng khá hơn tẹo nào, nhưng dần tôi hiểu rằng nếu không học giỏi toán thì đời tôi chưa hẳn sẽ vứt đi. Đến thời điểm ôn thi đại học, tôi lại đối diện với những áp lực không tên khác. Trong khi cô bạn thân là người giỏi đều cả 3 môn thi chính, tôi lại không như vậy, đâm ra cũng lo chứ. Tôi vẫn nhớ từng lời động viên "Cố thêm nhé!" của cô giáo dạy toán ôn thi đại học viết vào cuốn vở luyện đề của mình. Vào những lúc chán nản, tôi lại tự nhủ mình cố gắng, thêm chút nữa, chút nữa thôi nhé.

Cố thêm một chút nhé. Dù là làm bất cứ thứ gì trong cuộc đời này.

Hôm nay, nhìn lại mười mấy năm bản thân từng đối diện với một nỗi sợ vô hình như thế. Nỗi sợ xuất phát từ sự thiếu hiểu biết, từ những kì vọng mình phải giống những bạn học giỏi hồi đó. Ở thời điểm này, tôi vẫn...không thích Toán. Vẫn tiếp tục học ở trường như một môn học bắt buộc. Nhưng đi kèm không còn là những câu chuyện ẩm ương ngày xưa. Tôi dần gặp được nhiều bạn sợ "nhảy số" như tôi, và ở những đứa trẻ khác. Tôi tin rằng chúng ta đều có những điểm mạnh khác nhau, để ít nhất, thấy mình không đáng làm một "kẻ vứt đi". Còn rất nhiều những điều tiềm ẩn bên trong con người ta chưa thể khám phá hết, huống gì chỉ vì môn học mà mình không thấy phù hợp?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến