Nhật ký về sự từ bỏ
💬 Hà Nội, tháng 5/2018
Ngồi kẻ một cái bảng liệt kê ưu điểm/ nhược điểm với nội dung "Nghỉ học ở thời điểm này thì sao?" và chốt lại vẫn không có câu trả lời chính xác chỉ vì 2 ý trên cho ra lượng kết quả ngang nhau. Nghĩ đến quãng thời gian 1 năm nữa là ra trường thật mờ mịt, còn hơn 10 môn chưa xong, chưa có chứng chỉ tin học, tiếng anh, ôi !!!
💬 Hà Nội, tháng 6/2018
Lần đầu tiên đọc một cuốn sách về sự tối giản của Greg McKeown. Tác giả viết cuốn này đem lại cho mình nội dung mới mẻ về "Làm ít việc nhưng làm tốt" thay vì "Ôm cả núi việc mà chẳng việc nào ra việc nào", học cách nói không hay xác định ranh giới cho bản thân để được tự do lựa chọn. Nội dung chủ yếu của cuốn sách là về suy nghĩ trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày chứ không phải chuyện dọn đồ đạc như mình tưởng.
Một thời gian sau, mình quyết định tạm nghỉ công việc tình nguyện đang làm, quay trở lại đi học. Nghỉ ở đó khá tiếc vì không còn đóng góp nhiều cho các hoạt động cộng đồng. Nhưng tại thời điểm ấy, chính bản thân mới là người đang cần được cống hiến nhiều nhất.
💬 Hà Nội, tháng 11/2018
Vừa đọc cuốn sách "Yêu những điều không hoàn hảo" (tên tiếng anh: Love for Imperfect things) của đại đức Hae Min:
"Cơ thể cũng vậy, tâm hồn cũng vậy
Nếu được dọn dẹp
Thì sẽ thoải mái, dễ chịu
Ngược lại,
Nếu cứ khư khư giữ lấy thứ gì đó trong thời gian dài
Thì cả cơ thể lẫn tâm hồn
Đều sẽ sinh ra bệnh tật
Hãy dọn dẹp tất cả mọi thứ nhé."
💬 Hà Nội, tháng 1/2019
Đến giờ vẫn không tin được những gì vừa xảy ra trong những ngày qua, những điều trước đây mình nghĩ sẽ không bao giờ làm. Còn bây giờ thì mình vui và hài lòng về điều này:
- Đi cắt tóc
- Vứt đi những đồ đạc để lâu trong phòng
- Cho đi lọ đựng sao
💬 Hà Nội, tháng 4/2019
Vừa mới đọc xong cuốn "Nghệ thuật bài trí của người Nhật" (tên tiếng anh: The Life-Changing Magic of Tidying Up: The Japanese Art of Decluttering and Organizing) của Marie Kondo. Trước đã xem seri dọn nhà của chị này trên Netflix rồi mà đến khi đọc sách vẫn học được rất nhiều điều mới lạ.
Mình lôi hết quần áo trong tủ ra và nhìn lại tất cả quần áo đang có - chúng quá nhiều chứ không phải "không có gì để mặc" như vài hôm vẫn kêu ca. Cầm từng chiếc áo lên, ngắm một hồi, nên bỏ cái nào, nên giữ cái nào rồi để riêng ra. Thật kì lạ, những chiếc áo mình quyết định giữ lại là những chiếc áo gắn liền với phong cách của ngày trước.
Note điện thoại về kiểu ăn mặc năm ngoái - bây giờ |
💬 Hà Nội, tháng 5/2019
Giữ lại 150 bức ảnh trong điện thoại và xóa đi hơn 2.000 bức khác trong suốt 4 năm qua - những bức ảnh mà giờ cứ mỗi lần xem lại khiến mình cảm thấy xao nhãng, không còn vui vẻ nữa.
Còn hơn một tháng nữa là mình ra trường. Giờ chỉ nộp Báo cáo thực tập và học nốt một môn cuối cùng là xong. Ấy mà một năm về trước, mình từng nghĩ rằng mình KHÔNG THỂ làm được. Hồi đó bị làm sao mà nghĩ lắm thế nhỉ?
...
...
Nhật kí trên là đoạn tóm tắt cho quá trình sai lầm - học hỏi - sửa chữa trong việc nhận ra cái gì thật sự thuộc về mình, cảm thấy đủ và hài lòng với nó. Vậy thì, những kỉ niệm buồn vứt đi hết sao? Những điều buồn hay vui đều là kỉ niệm khó quên trong cuộc đời mỗi người. Mình lớn lên mỗi ngày với nó, trân trọng khi nhìn lại, nhưng không để nó làm ảnh hưởng đến hiện tại. Chỉ là mình LỰA CHỌN sự đơn giản và niềm vui. Tuy vậy, để "đơn giản", mình đã đi qua những ngày rối ren và tưởng như chẳng tìm thấy lối ra cho tới khi bắt đầu đọc một vài cuốn sách về sự tối giản. Mặc dù tìm hiểu về lối sống tối giản, thế nhưng mình thích cụm từ "đơn giản" hơn, giữ lại điều gì cần và bỏ qua những thứ không còn phù hợp. Hành trình này không kết thúc ngay sau khi mình đặt dấu chấm cho bài viết, bởi chúng là một chuỗi mắc lỗi - học hỏi - sửa chữa và luôn tiếp tục song hành. Đến thời điểm cần nhìn lại, mình cảm thấy biết ơn, vì thấy bản thân đang thực sự trải nghiệm, lớn lên theo mỗi cột mốc nhất định trong đời.
Nhận xét
Đăng nhận xét