Tháng năm: những điều ở lại

#1: Đi thực tập và viết báo cáo
  Tháng một, mình được nhận vào thực tập tại Language Link sau một tuần gửi CV và đến gặp chị quản lí. Ở đây đã cho mình rất nhiều trải nghiệm quý giá chứ không phải "đi rót nước pha trà" như lời đồn trước khi đi tìm cơ quan thực tập. Sau vài tuần đầu học việc, làm quen với mọi người xung quanh, mình đã hình thành một cái nhìn rõ ràng hơn về "văn hóa nơi công sở" không quá kinh khủng như những gì từng biết. "Sự kinh khủng" là người ta thích nó phải kinh khủng.




   Cuối tháng tư, mình kết thúc công việc thực tập sau gần 3 tháng. Mình muốn cảm ơn rất nhiều tới những người chị, người bạn nhiệt tình đã không ngại ngần giúp đỡ từ ngày đầu tiên đến đây. Trong quá trình ấy có những ngày vui, những ngày háo hức xen lẫn ngày mệt mỏi khi cứ đi mà chẳng biết trước mọi thứ sẽ thế nào. Buổi cuối cùng, mình được một người bạn tặng cho một món quà lưu niệm kèm theo tấm thiệp xinh xắn. Bước ra khỏi trung tâm khi trời đã tối muộn và bắt đầu mưa, chúng mình tạm biệt và hẹn ngày nào đó gặp lại. Rồi chỉ còn lại cảm giác nhẹ nhõm, khi mình nhìn lại những ngày đã đi qua như thế. 
Mấy ngày sau đó là chuỗi ngày ngồi viết báo cáo hoàn chỉnh dựa trên dàn ý đã làm từ trước. Khi mới vào phần giới thiệu, mình đã cảm thấy rất khó khi không biết phải "bôi" ra sao cho được tối thiểu 20 trang giấy để nộp. Nhưng chỉ cần vượt qua cảm giác khó chịu ban đầu ấy, dần dà có thêm nhiều ý tưởng dựa trên từng trải nghiệm làm việc, thêm bảng biểu, số liệu, làm bìa, nhờ cô giáo sửa lỗi....Cuối cùng, bản báo cáo cũng được hoàn thành một cách trọn vẹn với "lời cảm ơn" đầy kiêu hãnh.

#2: Sense of purpose
    3 từ "SENSE OF PURPOSE" hiện lù lù trên màn hình lớp học. Một loạt những câu hỏi không biết từ đâu đến và giọng thầy giảng cứ văng vẳng bên tai. Mình chợt nhớ lại một năm về trước, luôn sốt sắng tìm ra một "Sense of purpose" để rồi biết rằng nó chỉ xuất hiện khi bắt tay vào làm từng bước đầu tiên cho đến khi quen việc. 
   Đây là một trong những buổi học rất ý nghĩa ở Thiểu năng - lớp tiếng anh mà mình đang học. Buổi hôm đó thầy giáo nói về viết SOP (Statement of purpose) khi viết thư xin học bổng, đến phần bàn về "Sense of purpose" thì đi vào những ý nghĩa, mục đích của những thứ đang theo đuổi có phải là điều mỗi người thực sự mong muốn? Lấy ví dụ cụ thể hơn, thầy kể về trải nghiệm của chính bản thân khi làm về công nghệ thông tin gần 10 năm, cuối cùng bỏ tất cả để đi học chuyên sâu về ngôn ngữ và đi dạy học, một đam mê nhỏ bé song hành từ những ngày thầy còn làm công việc chính về công nghệ thông tin. Dù có nuối tiếc khoảng thời gian đã dành cho nghề không thật sự thích, nhưng bây giờ thầy vẫn luôn hài lòng vì ít nhất đã quyết định liều đi theo lựa chọn của bản thân. Câu chuyện này không chỉ xảy ra riêng với thầy giáo mình mà nó khá phổ biến trong thời buổi hiện nay - khi có quá nhiều lựa chọn nhưng cần ưu tiên điều gì để cảm thấy đây là cuộc sống xứng đáng với nhu cầu của bản thân và đem lại ý nghĩa?

#3: Multipotentialite
   "Tại sao mình tìm mãi không thấy điều mình thật sự đam mê?"
   "Có phải mình quá mất kiên nhẫn để làm một điều gì đó liên tục mà không chán?"
   ....
   Là một đứa từng khát khao tìm ra "đam mê cháy bỏng", từng thử rất nhiều thứ và thấy cái gì mình cũng thích rồi chỉ một thời gian là bỏ, sau đó ngồi đánh giá bản thân có vấn đề vì chẳng thích nổi một cái gì quá lâu. Ấy vậy mà vào một ngày đẹp trời, mình đã tìm ra câu trả lời qua video Ted talk của Emilie Wapnick nói về chủ đề "True calling". Emilie đã diễn giải cụm từ: "Multipotentialite - Multi + potential + ite" - một người có rất nhiều sở thích!!! Tức là bạn vừa có thể làm nhà tâm lý học và nhạc công violin, như Robert Child. Hay như chính diễn giả đang nói, Emilie, cô ấy vừa làm diễn giả, viết sách, vẽ, làm nhạc và tạo một cộng đồng cho những người cũng có nhiều sở thích tại trang web Puttylike.com. Những người này có khả năng học hỏi nhanh (vì đã từng học và thử rất nhiều thứ khác), có thể kết nối điểm chung giữa những điều mình thích và tạo ra một thứ mới mẻ từ những thứ đó. Thế nhưng chính điều này có thể biến thành nhược điểm nếu không tận dụng mọi khả năng mà một multipotentialite có. 
   Trước giờ chỉ nghĩ rằng PHẢI theo đuổi một thứ mới có thể khiến cuộc sống tốt đẹp và ý nghĩa (tức là đam mê rồi hết mình cho nó như bao người khác). Nhưng vào một ngày tháng năm ấy, tình cờ một cú click đã khiến mình nhận ra rằng KHÔNG CẦN PHẢI như vậy. Biết đâu những bất ngờ đang đợi phía trước, khi cho bản thân nhiều cơ hội nữa để thử, để học, để trải nghiệm.

#4: Sách
   "Thoát khỏi bẫy cảm xúc" của Daniel Rutley là cuốn sách self-help về tâm lý học hành vi, giải thích về các "bẫy cảm xúc" tiêu cực như khó chịu, thất vọng, giận dữ, trầm cảm dễ kiểm soát con người, đánh giá thấp giá trị bản thân và đề cập về "quyền được lựa chọn", tình yêu thương xuất phát từ bên trong mỗi người. Nếu chịu khó quan sát kĩ hơn, đằng sau mỗi cảm xúc tiêu cực chỉ là một nhu cầu của cá nhân nhưng chưa thể hiện ra thành lời. Với hơn 30 năm kinh nghiệm trong việc tư vấn và giảng dạy, tác giả Daniel Rutley, một nhà tâm lý trị liệu ở Mississippi, đã đúc rút từ kinh nghiệm của mình để viết một cuốn sách vô cùng thú vị, đọc đến đâu "a ha!' đến đó, nhưng áp dụng vào cuộc sống lại là một chuyện không hề đơn giản, vì những suy nghĩ mới vốn cần thời gian để thích nghi.



    Cuốn này dịch một vài câu khá khó hiểu, chưa kể nhiều đoạn cần đọc lại vài lần mới thẩm thấu. Tuy nhiên, về tổng thể vẫn nắm được tinh thần tác giả truyền tải và đặc biệt, cuốn sách giải đáp cho câu hỏi mình luôn thắc mắc từ lâu: "Tại sao khi ấy lại hành xử như vậy?". Đúng thế, nó thể hiện rất rõ qua những lời chia sẻ ở đầu cuốn sách :
"Đừng sợ việc mình như trẻ con và cười trước những điều ngớ ngẩn của cuộc sống. Cũng đừng sợ nhìn vào bên trong và tự hỏi những câu hỏi khó. Bạn sẽ thấy rằng những câu trả lời thật sự có tính giải thoát và trao cho bạn sức mạnh".

Nhận xét

Bài đăng phổ biến