Tháng 1: Những điều ở lại
#1: Khủng hoảng những ngày giáp Tết
Trước tết, ai cũng rơi vào trạng thái
hối hả, vừa lo lắm sửa lại thêm công việc dồn nén gấp mấy ngày thường, thành ra dễ rơi vào trạng thái khó chịu và cáu bực.
Đỉnh cao kéo đến ngày 25 Tết, quay
cuồng giữa công việc – việc nhà, mình cảm thấy mọi thứ bắt đầu nằm
ngoài kiểm soát. Chao ôi, mình thèm một giấc ngủ. Cơ thể mình đã
quá mệt. 8h tối, ăn cơm xong, mình quyết định
vứt hết bát đũa ngổn ngang, bỏ xuống nhà và…ngủ. Nằm được 15 phút,
bố bắt đầu gọi mình lên dọn dẹp và trách móc vì tội lười nhác,
cuối năm không chịu làm gì. Thật sự thì bố đã không hiểu.
Cảm giác của mình khi ấy vừa buồn, vừa tủi thân mà chẳng biết giải thích sao, bởi nếu phản ứng lại, mình không chắc sẽ đủ bình tĩnh để nói những lời dễ nghe. Tất
cả những gì có thể làm lúc đó là im lặng và đi dọn dẹp mãi tới 12 giờ khuya.
Hoa giấy trong sáng chạy bộ ngày đầu năm mới |
Nghĩ lại những ngày tháng trước Tết, nếu không phải vì phấn đấu những mục tiêu trước mắt cho bản thân, có lẽ mình sẽ bỏ cuộc rất dễ dàng. Cũng nhờ những ngày hối hả ấy, biết trân quý từng khoảnh khắc Tết bình dị đến với mình. Yêu một buổi sáng vắng vẻ của phố xá, tiếng chim hót từ nhà bác hàng xóm, nghe mấy bài hát Tết trên ti vi, đọc sách. Đó là những mong mỏi mình đã chờ từ rất lâu! Giờ nó đến bỗng thấy biết ơn vô
cùng tận. Hạnh phúc ngập tràn không biết dùng từ nào để diễn tả.
Mong cho năm mới, mình sẽ kiên nhẫn với chính bản thân và bố mẹ nhiều hơn nữa.
#2: Những câu hỏi về tương lai
Trước Tết, mình từng nghĩ đến việc
năm nay sẽ đi chúc Tết họ hàng thế nào với câu hỏi “Cháu làm nghề gì?
Lương bao nhiêu?”. Thật may là năm nay
trời mưa lạnh, nên ít gặp họ hàng hơn!
Nói là vậy, sự thật là mình đã nghĩ quá về
những câu hỏi ấy. Khi trả lời một cách lịch sự và chân thành, ít
nhiều người nhà cũng biết được những gì mình đang làm. Những câu hỏi kia chỉ đơn thuần là thể hiện sự quan tâm và tò mò. Rồi mọi thứ lại
đâu vào đấy, chính thái độ làm gắt gao của mình mới là vấn
đề.
Bên cạnh câu hỏi trên, “Năm 2020 bản thân sẽ thế nào?” đôi lần khiến mình tò mò về những điều sẽ đến trong năm tới. Rốt cục, 2020 của
mình sẽ ra sao? Mình có làm tốt hơn năm ngoái không? Năm nay sẽ
có những bất ngờ mới nào khác?
Mình không thể biết được. Mà
kể cả biết trước được thì mình sẽ làm gì với nó?
Không, không biết. Lo lắng quá dường như cũng thành thừa.
#3: Viết reflection
Hoạt động viết Reflection - viết lại một năm qua của bạn, về bản thân; công việc; thói quen; các mối quan hệ được mình tham khảo trên group "Viết 100 từ - 100 Daily words". Thời điểm thích hợp để thực hiện điều này là viết vào những ngày cuối năm. Tuy nhiên, phải qua khoảnh khắc giao thừa 2020 mình mới ngồi viết, vì thời điểm trong
năm bận và chẳng có một chút nào cảm thấy đủ bình tĩnh để nhìn lại.
Viết Reflection là một hoạt động siêu siêu thú vị. Khi có dịp nhìn lại toàn bộ năm 2019,
thấy bản thân đã đi được một chặng
xa hơn hẳn so với những năm trước. Điều này chẳng ai nhìn rõ ngoài chính bản thân mình. Cảm giác ấy thật tuyệt vời, mọi động lực phấn đấu rất "organic", cố gắng nỗ lực cho bản thân chứ không cần nhìn sang bất kì ai. Vui, tự hào, cứ cố gắng nhiều hơn nữa nhé.
#4: Bạn bè
Trong mấy ngày Tết, mình gặp lại những người bạn cùng trường cấp hai cũ. Rồi bất chợt nghĩ về
những mối quan hệ đã qua. Những người từng đến và đi trong cuộc đời.
Rồi sau đó là một cảm giác lặng người, rất khó tả: "Cái tầm
này của mấy năm về trước, mình với chúng nó còn đi với nhau, thế
mà…"
Tự hỏi mình có buồn không? Có, buồn
chứ. Nỗi buồn ấy mà, dạy mình cách chấp nhận việc rồi sẽ có người
đến và đi, là một phần của cuộc sống. Ai rồi cũng lớn lên và thay
đổi. Người bạn từng ở bên mình năm đó, không chắc sẽ phù hợp
với mình ở thời điểm hiện tại. Nghĩ lại, mình cảm thấy biết ơn vì
được gặp bạn trong đời, và thầm cảm ơn thật nhiều tới những người đã
quyết định ở lại với mình tới giờ, chấp nhận cả những phần đẹp đẽ lẫn chưa hoàn hảo của nhau.
#5: Sách
“Bạn
không thông minh lắm đâu” - Nhan đề cuốn sách mới nghe mà cảm thấy đã có một sự thách thức không hề nhẹ (Tiếng anh: "You are not so smart")
Bìa sách "Bạn không thông minh lắm đâu" |
Trong cuốn này, tác giả David McRaney tổng hợp rất nhiều các case study nghiên cứu của các nhà khoa
học về các Fallacy (tạm hiểu là Ngụy biện - sử dụng các lập luận một cách sai lầm, không hợp lý, cố ý vi phạm các quy tắc logic trong suy luận). Cứ mỗi lần đọc một Fallacy lại thấy ngỡ ra một điều mới mẻ
về việc bộ não của mình hoạt động theo cách không như mình vẫn tưởng. Phần lớn các nghiên cứu trong này thuộc mảng tâm lý học
hiện đại, chính vfi vậy mà khi đọc có cảm giác khá gần gũi, tuy
nhiên phải dừng giữa chừng khá nhiều vì có quá nhiều nghiên cứu!!!
Cách tốt nhất để thẩm thấu những dòng sách này là đọc theo kiểu
ngắt quãng, vừa đọc vừa nghỉ vừa nghĩ.
Chính vì có quá nhiều fallacy đến
vậy, nên có lúc mình tự hỏi ngược lại: Liệu có tránh được
tất cả các “bẫy” này sau khi đọc sách không? Mình nghĩ là không.
Cuốn sách chỉ giống như một công cụ tham khảo hơn là một công cụ đổi
đời, vì nếu tránh được tất cả các bẫy kia có lẽ mình đã thành
thần thánh rồi, chẳng còn ngồi đây nữa.
"We are 100% human and we have the chance of making mistake everyday. And that’s the way we are alive".
Happy new year, new you!
Cảm ơn vì đã đọc tới những dòng này. Chúc bạn một năm mới thật nhiều sức khỏe và trải nghiệm nhé.
Nhận xét
Đăng nhận xét